Breaking News

TOR từ mạng lưới ẩn danh đến cánh cửa đến một thế giới mạng khác

Với thông tin gần đây cho rằng nhà nước chuẩn bị ra dự luật về an ninh mạng mang nhiều tính mơ hồ và có thể dẫn tới nguy cơ chặn các công ty dịch vụ mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, Twitter,... Và để tránh bị tình trạng mất mạng do bị tường lửa chặn, có thể dẫn tới không giao dịch được trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số thì chúng ta nên tìm hiểu về một công cụ đặc biệt có tên là TOR. Đây là một công cụ có giúp chúng ta truy cập Internet an toàn, với tính ẩn danh cao và hầu như không thể theo dõi dấu vết.
TOR là gì?

TOR là viết tắt của các từ tiếng Anh là The Onion Rounter (bộ định tuyến củ hành). Tại sao lại là củ hành? Củ hành có nhiều lớp vỏ, bóc lớp này lại có lớp khác và TOR hoạt động theo kiểu như vậy và dựa trên cơ chế mã hoá dữ liệu nữa.

Để truy cập vào một máy chủ qua mạng lưới của Tor bạn không truy cập thẳng đến nó mà qua rất nhiều các máy chủ trung gian. Ở mỗi bước dữ liệu đều được mã hoá và máy ở sau không biết trước đó thông tin gồm có những gì và đến từ đâu. Và đến máy đầu ra cuối cùng thì kết nối đến máy chủ đích. Do vậy máy chủ đích không biết thông tin được kết nối đến nó là từ máy tính nào và địa chỉ thế nào cả. Trừ trường hợp trong đó có form thông tin mà người dùng lại khai báo cụ thể.

Như vậy nếu máy chủ muốn theo dõi người dùng thì cũng chỉ phát hiện ra thông tin và địa chỉ của máy đầu ra trong mạng lưới TOR còn vẫn không thể tìm ra được máy của người dùng vì máy chủ đầu ra của TOR không thể biết thông tin gì về người dùng vì thông tin mà nó vận chuyển đã được mã hoá.

TOR được ra đời như thế nào?

TOR được phát minh bởi một phòng nghiên cứu của hải quân Mỹ với mục đích bảo vệ thông tin tình báo cho quân đội Mỹ, sau đó nó tiếp tục được phát triển bởi DARPA (một dự án nghiên cứu cao cấp của quân đội Mỹ). DARPA cũng là cơ quan phát minh ra mạng lưới Internet

Sử dụng TOR thế nào?

Giao thức của TOR có thể được tích hợp với nhiều hệ điều hành thiên về bảo mật như Tails OS hay Qubes OS hoặc trình duyệt TOR. Nhưng cách dễ sử dụng nhất là sử dụng trình duyệt TOR.

Deep webs và thế giới ngầm

Việc truy cập ẩn danh và máy chủ ẩn danh khiến người ta tạo ra một thế giới ngầm với những dịch vụ và trang web nguy hiểm như buôn bán ma tuý, hộ chiếu giả, vũ khí và các loại hàng lậu, những dịch vụ hacker tạo virus và tấn công website.... Và có không ít bài báo người ta nói nhiều đến thế giới ngầm của những băng đảng mafia trên mạng Internet gọi là Dark Webs/Deep Webs. Có người còn cho rằng Deep Webs là một thế giới rộng lớn không kém gì web nổi, thậm chí còn lớn hơn.
Còn gì tương tự như TOR?

Ngoài TOR có lẽ nổi tiếng nhất là giao thức I2P, giao thức này ra đời sau TOR và cũng có một số điểm ưu việt, tuy nhiên I2P không được phổ biến bằng TOR và cũng ít máy và phần mềm hỗ trợ hơn. Ngoài ra còn có mạng lưới Freenet cũng giúp mọi người có thể trao đổi thông tin online một cách ẩn danh và an toàn.

Những nghi vấn về Tor

Sau sự kiện hàng loạt website bán ma tuý bị FBI đánh sập và FBI cũng tóm được những trùm buôn lậu ma tuý và người ta nghĩ rằng TOR có khả năng có những lỗ hổng hoặc cửa hậu nào đó mà cho phép FBI có thể tìm và phát hiện ra nơi để máy chủ của các trang web buôn bán ma tuý như Silk Road,...

Nói chung, nếu không làm gì nguy hiểm thì TOR có thể là công cụ hữu ích, và ít ra nó có thể là công cụ giúp bạn bảo vệ sự riêng tư. Nó đặc biệt giúp các bạn kinh doanh tiền số với số lượng lớn tránh được nguy cơ bị theo dõi và nguy cơ tịch thu trong khi tình trạng luật pháp ở Việt Nam không mấy được đảm bảo. Nó cũng giúp các bạn có thể tránh bị hacker theo dõi, và đặc biệt nếu nhà nước có áp dụng tường lửa với sự giúp đỡ của Trung Quốc thì mọi người vẫn có thể truy cập Facebook, Google để giao lưu bạn bè hoặc tra cứu, học tập và tìm hiểu thông tin mà không bị giới hạn.

Cho dù có thể bây giờ bạn chưa cần dùng đến TOR nhưng hãy tải phần mềm này để đảm bảo bạn không bị gián đoạn truy cập mạng dù cho tình hình nào, và nếu có thể hãy chia sẻ kinh nghiệm này cho bạn bè.

Bài đăng phổ biến