Breaking News

Những Nguyên Tắc Pháp Luật Cơ Bản Mà Bạn Không Thể Không Biết

Chúng ta từng sống trong một thời kỳ mà luật pháp tương đối tuỳ tiện nên việc có rất nhiều người phải chịu oan khuất và rất nhiều người thì lại tìm những cách không chân chính để luồn lách. Hiện nay khi bước vào nền kinh tế thị trường thì luật pháp ngày càng đầy đủ và cụ thể hơn. Nhưng, càng đầy đủ và cụ thể thì nó lại càng nhiều và phức tạp và khiến chúng ta càng ngại tìm hiểu nó. Và sự cạnh tranh của thị trường và thói xấu của tư duy chỉ biết đến vật chất đã khiến cho nhiều người sẵn sàng gây hại cho người khác nên hiểu những nguyên tắc cơ bản về pháp luật giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc suy luận và tìm hiểu về các luật một cách chi tiết.

[​IMG]

Sau đây là những nguyên tắc luật pháp cơ bản dễ hiểu mà chúng ta cần biết đến:

1. Các cấp độ của luật pháp

Chúng ta thường bối rối trong hàng đống những thuật ngữ như luật, hiến pháp, nghị định, thông tư... và không biết mức độ ưu tiên nó như thế nào. Thì đây là thứ tự ưu tiên theo cấp bậc.

Hiến pháp: Đầu tiên cao nhất là hiến pháp. Hiến pháp gọi là mẹ của các luật. Nó là những quy định tương đối chung chung nhưng có tính chất định hướng. Hiến pháp là những điều cơ bản nhất để tạo ra các bộ luật cụ thể. Do đó cho nên tất cả các luật và những thứ dưới luật đều phải tuân theo hiến pháp, không thể đi ngược lại hiến pháp. Và hiến pháp dùng để cho mọi thứ khác tham khảo đến mà không phải tham khảo đến luật. Chúng ta tưởng tượng như hiến pháp là mẹ, còn luật là con, còn các thông tư, nghị định là cháu. Không thể có chuyện luật hay các thông tư, nghị định,... có thể đi ngược lại hiến pháp, và cũng không có chuyện hiến pháp phải tham khảo các luật và các thông tư hay nghị định vì hiến pháp luôn đi trước. Ví dụ như trong hiến pháp nói mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật điều đó có nghĩa là nếu cùng phạm một tội thì ai cũng như ai. Không được luật nào quy định khác đi, giả sử nếu có luật nào quy định người già thì cùng phạm tội như người trẻ thì tội nhẹ hơn chẳng hạn thì luật đó không đúng và không có hiệu lực vì nó không nhất quán với hiến pháp.

Các bộ luật và các luật: được đưa ra bởi quốc hội nó cao hơn các thông tư, nghị định nhưng thấp hơn hiến pháp. Nó được lập ra nhưng không thể đi ngược lại hoặc chệch hướng so với hiến pháp. Chúng ta biết có nhiều bộ luật khác nhau như luật dân sự, luật hình sự, luật đất đai...

Các nghị định, thông tư: Các nghị định, thông tư được đưa ra bởi các cơ quan hành pháp như chính phủ, các bộ... nên nó không thể đi ngược lại các bộ luật mà chỉ có thể làm rõ hơn, ví dụ chỉ rõ các biểu mức phạt cho các tội trạng cụ thể nào đó.

Nói tóm lại thứ tự ưu tiên là Hiến pháp > Luật > Nghị định, Thông tư.

2. Mọi người được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội

Theo hiến pháp (điều 31) có quy định rõ "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."

Bình thường chúng ta cũng không cần phải chứng minh rằng mình không có tội. Nếu ai đó muốn buộc tội mình thì người đó phải có nghĩa vụ chứng minh điều đó.

Vậy trước khi được chứng minh theo trình tự pháp luật không ai được đối xử với người ta theo cách của người có tội. Nếu người nào làm việc đó thì người đó đã vi phạm quy định của pháp luật.

Điều này chúng ta cũng hay thấy trên báo chí người ta thường đánh đồng nghi phạm với thủ phạm, chính những nhà báo làm vậy là đã vi phạm pháp luật.

3. Cán bộ chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn người dân được làm bất cứ điều gì mà luật pháp không cấm

Các cán bộ là những người được người dân nuôi bằng cách đóng thuế và được quản lý bởi các cấp của nhà nước (nhà nước cũng được nuôi bằng tiền thuế của dân) và họ được cung cấp những đặc quyền, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ của mình. Thông thường họ có được các đặc quyền, các thiết bị để thực hiện nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân, bảo vệ công bằng... Nhưng để hạn chế sự lạm quyền của các cán bộ thì luật pháp chỉ cho phép họ thực hiện những công việc nhất định theo các quy định một cách rõ ràng. Họ không được phép lạm quyền và không được làm những gì mà luật không cho phép họ làm một cách cụ thể. Ví dụ công an được trang bị súng, nhưng họ không được phép sử dụng súng một cách tuỳ tiện, vì người dân đóng tiền trang bị súng cho công an thì công an không thể được lạm quyền dùng súng để bắn người vô tội.

Còn người dân thì được làm mọi điều mà pháp luật không cấm. Vì thông thường người dân có trước các chính quyền, có trước các luật pháp, và luật pháp được lập ra để bảo vệ người dân cho nên nếu chưa có luật quy định một cách cụ thể thì người dân được quyền làm.

Biết điều này rất hữu ích, nhất là trường hợp chúng ta đi đường bị công an chặn lại đòi phạt thì chúng ta có thể từ chối hợp tác cho đến khi họ chứng minh bằng chứng chúng ta phạm lỗi. Tương tự như vậy nếu bạn bán hàng mà cán bộ quản lý thị trường đòi phạt thì họ phải chứng minh bạn phạm tội gì và nêu rõ quy định mà họ phạt bạn. Trong trường hợp bị phạt bạn có quyền yêu cầu họ nêu rõ bạn phạm tội gì theo điều khoản pháp luật như thế nào.

Trên đây là những nguyên tắc cơ bản để chúng ta có thể dễ dàng bảo vệ quyền lợi của mình và người thân bạn bè. Hiểu biết pháp luật giúp chúng ta ứng xử tự tin, tránh việc phải chạy trọt, đút lót mà vi phạm những quy định của pháp luật.

Đây là bài trước đây mình đã đăng trên Lamchame.com, giờ copy lại đây để các bạn thích công nghệ và đầu tư cũng có thể biết những vấn đề luật pháp cơ bản nhất.

Bài đăng phổ biến