Breaking News

Vì sao các chính phủ phải tìm cách móc túi và kiểm soát người dân nhiều hơn?

Bạn đừng nghĩ rằng bài viết này chỉ nói đến chính phủ Việt Nam, thực tế nó đề cập đến vấn đề mà hầu hết các chính phủ trên thế giới. Đó chính là lý do vì sao mà Bitcoin lại ra đời và tại sao các chính phủ lại sợ Bitcoin và các đồng tiền số đến như vậy.

Tại sao các chính phủ lại phải tìm cách móc túi và kiểm soát người dân của họ?

Ở các nước tự do quyền hạn của chính phủ tương đối bị hạn chế. Những người lãnh đạo các chính phủ ở những nước tự do có thời hạn hạn chế về nhiệm kỳ. Ngoài ra có những điều luật để giới hạn quyền lực của chính phủ. Tuy nhiên, trong các chế độ dân chủ thì những người lãnh đạo chính phủ lại được bầu nên bởi những người dân. Phần đông dân chúng là những người có thu nhập thấp và trung bình. Những người thu nhập thấp thường có nhu cầu ở mức vật chất nhiều hơn và ít có nhu cầu về mặt tinh thần.
Tháp Nhu Cầu do Abraham Maslow phát hiện ra
Ở tầng thấp hơn là các nhu cầu vật chất, còn cao hơn thì thiên về tinh thần.
Khi các nhu cầu bậc thấp hơn được thoả mãn người ta có xu hướng tìm kiếm nhu cầu bậc cao hơn.

Để tranh thủ lá phiếu ủng hộ của phần đông cử tri là những người nghèo mà mức độ quan tâm chỉ liên quan đến những vấn đề vật chất trước mắt thì chính phủ phải tạo ra những chương trình nhằm cung cấp vật chất miễn phí như trợ cấp xã hội, miễn phí y tế, phổ cập giáo dục, rồi xe buýt giá rẻ...

Nhưng thông thường những vấn đề vật chất trước mắt thì nó chỉ có tác dụng tạm thời ngắn hạn mà những người này lại ít có đủ kiến thức và năng lực để nhận ra. Họ chỉ cần chính phủ lo cho họ có nhiều thứ miễn phí là tốt rồi, còn phải đóng thuế nhiều thì thằng giầu phải chịu thuế nhiều hơn nên họ không bận tâm. Mà thường thì dân nghèo đông hơn nên để được đông lá phiếu ủng hộ thì các chính trị gia phải giảm thuế cho người nghèo và tăng thuế cho người giầu.

Những phúc lợi cho người nghèo thường rất tốn kém và kém hiệu quả về kinh tế. Nó làm cho nền kinh tế khó mà phát triển được. Để cho dễ hiểu tại sao chi phí cho người nghèo lại khó phát triển được kinh tế, bạn hãy liên tưởng đến một gia đình. Nếu phần lớn chi phí cho gia đình đều vào vấn đề ăn mặc thì không có tiền cho đầu tư cho giáo dục, cho trang thiết bị để có năng suất cao hơn bởi vậy mà thu nhập cũng ít đi. Nếu gia đình chi ít đi cho ăn mặc mà đầu tư vào cái máy xay lúa chẳng hạn thì cái máy đó sẽ giúp sinh thêm tiền hàng tháng. Sau đó có tiền dư gia đình lại mua thêm cái cửa hàng,... thì hàng tháng lại có thêm thu nhập. Ở quy mô quốc gia cũng tương tự như vậy. Càng ít tái đầu tư thì năng suất của quốc gia đó càng thấp đi và tổng sản phẩm càng ít.

Nhưng các chính trị gia lại được tiếp tục tái đắc cử, và đảng cầm quyền lại tiếp tục dành thắng lợi trước đảng đối lập.

Nếu họ tăng thuế thì họ sẽ bị phản đối bởi các giới chủ doanh nghiệp, những người giầu mà những người này lại có tầm ảnh hưởng đến dư luận, đến truyền thông và báo chí và có thể có thêm những người trung lưu ủng hộ. Và họ phải tìm cách khác tinh vi hơn, trông có vẻ hợp lý hơn, dễ thuyết phục hơn. Đó chính là cách in thêm tiền, hoặc phát hành nhiều trái phiếu hơn.

In thêm tiền, có nghĩa là khi lượng sản phẩm trong xã hội được tăng lên một phần nhưng lượng tiền in thêm ra nhiều hơn lượng sản phẩm tăng lên thành ra giá sản phẩm bị đắt lên, và người ta gọi cái này là lạm phát. Nhưng lượng tiền tăng lên thì nhìn vào nền kinh tế chúng ta thấy có sự tăng trưởng về tổng sản lượng GDP. Nếu nền kinh tế không tăng mà số tiền tăng lên chúng ta cũng dễ tưởng rằng nền kinh tế đang tăng trưởng, lương người lao động được tăng lên vì số tiền nhiều lên,.. nói chung hầu hết mọi người đều cảm thấy vui mừng, và đôi lúc họ cũng cảm thấy sao mà bát phở tự nhiên năm nay đắt hơn năm trước nhiều thế hay vé gửi xe sao tăng lên gấp đôi. Nhưng mà lại tặc lưỡi rằng điều đó thì ai cũng phải chịu cơ mà. Tại nền kinh tế thôi.

Đối với những quốc gia tự do hơn, có sự kiểm soát chặt hơn của các tổ chức xã hội dân sự trong việc in thêm tiền thì các chính phủ vẫn có cách đó là phát hành các trái phiếu. Tức là một dạng đi vay của người dân. Do đó nợ quốc gia vẫn tiếp tục tăng mạnh. Chúng ta có thể thấy điều này ở chính phủ Mỹ thời các tổng thống thuộc đảng dân chủ. 

Do chiều chuộng những người nghèo khổ nhiều hơn và tốn tiền cho những khoản đầu tư không sinh lời làm nền kinh tế khó phát triển thì tệ nạn và tội phạm lại gia tăng. Chính điều này lại buộc các chính phủ phải tăng thêm chi phí để kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn. Nếu bình thường người dân có quyền dùng súng, thì khi kinh tế suy thoái, vỡ nợ họ có thể cầm súng bắn chết ai đó và do đó họ phải kiểm soát dùng súng, siết chặt thêm các biện pháp an toàn để đảm bảo nhu cầu vật lý của nhiều người. Và cứ thế các chính phủ thì ngày một phình to lên mà hiệu quả thì ngày một giảm đi. Điều này chúng ta thấy một xu thế mới ở các nước tư bản ở Châu Âu.

Còn ở các nước độc tài, quyền lực của chính phủ vốn ít bị kiểm soát bởi người dân và chính phủ thường có nhiều quyền lực hơn. Nếu độc tài cá nhân hoặc gia đình thì người lãnh đạo ít khi bị thay thế, còn ở chế độ độc tài đảng trị thì đảng cầm quyền sẽ duy trì quyền lực cho dù xã hội có xuống cấp thế nào đi chăng nữa. Tuy vậy, nếu xã hội suy thoái quá, người dân bức xúc thì cũng khó cho họ trong việc cai trị, thậm chí có thể dẫn đến những cuộc cách mạng và thay thế chính phủ khác. Bởi thế họ phải gia tăng bộ máy kiểm soát như công an, cảnh sát, mật vụ... để giám sát người dân nhiều hơn, tước đoạt nhiều quyền của người dân hơn để họ khó có thể liên kết lại với nhau mà chống chính phủ hay ủng hộ thành lập một chính phủ khác tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, cho dù ở những nước dân chủ hay độc tài thì xu thế kiểm soát người dân nhiều hơn cũng đều gia tăng mà một trong những cách kiểm soát tốt nhất đó là kiểm soát về kinh tế, về mặt phát hành ra đồng tiền, chỉ dành cho chính phủ độc quyền làm việc này.

Nhưng tiếc thay cho họ, sự ra đời của công nghệ phi tập trung cho phép người dân có thể kết nối với nhau trên không gian mạng và tạo ra những "đồng tiền ào" như Bitcoin hay Dash và điều đó làm mất đi khả năng kiểm soát của các chính phủ. Do đó họ không thích tiền ảo, và dù đó có thể là chính phủ Việt Nam, Mỹ hay Trung Quốc, nhưng họ buộc phải chấp nhận, vì thật khó cho họ để có thể kiểm soát được nó.

Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò và sự cần thiết của các chính phủ. Nhờ có các chính phủ mà có thể duy trì được trật tự xã hội, đảm bảo mọi người tôn trọng luật pháp và quyền tự do của người khác... Nhưng sự ra đời của tiền số sẽ gia tăng áp lực buộc các chính phủ phải nhỏ gọn lại và thực hiện những nhiệm vụ cần thiết của mình thay vì trở thành con bạch tuộc nhiều vòi để kiểm soát quá nhiều đối với đời sống của người dân của họ. Và tiền số chính là cách để người dân đòi được những quyền tự do chính đáng và gây áp lực để buộc các chính phủ phải trở nên tốt hơn, nhỏ gọn và hiệu quả hơn.

Khi chính phủ không còn độc quyền kiểm soát tài chính, giảm bớt kiểm soát người dân, để cho quy luật kinh tế và xã hội vận hành mà ít bị cản trở hơn... thì điều này buộc chính phủ trở về với vị trí là người làm thuê thay vì làm ông chủ của người dân và như vậy xã hội mới phát triển tốt đẹp hơn. Một xã hội công bằng hơn là một xã hội để các quy luật kinh tế và xã hội vận hành trơn tru thay vì bị thao túng bởi các thủ thuật của con người.

Bài đăng phổ biến