Breaking News

10 Sai lầm thường gặp của người mới "chơi" tiền số

Xu hướng tiền kỹ thuật số gần đây với sự phát triển của công nghệ khiến cho nhiều người tưởng chừng đó là những cơ hội kiếm tiền dễ dàng và không ít người bị mắc lừa khiến hao tiền tốn của lại ảnh hưởng đến cuộc sống và các quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Có thể thấy những sai lầm sau đây mà những người mới tìm hiểu về tiền số hay gặp:
1. Vội vàng không tìm hiểu kỹ

Một lý do thường dẫn đến sai lầm nhiều nhất khi tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử đó là thiếu sự tìm hiểu kỹ càng. Đây là một lĩnh vực mới mẻ, nhiều thứ phức tạp lại liên quan đến khá nhiều lĩnh vực như công nghệ, tài chính, kinh doanh, đầu tư, tiền tệ, xã hội học, tâm lý,... Trong khi lại có nhiều những rủi ro về lừa đảo, trộm cắp, tội phạm mạng,... mà lại ít được luật pháp bảo vệ.

2. Không tự nghiên cứu mà thường dựa vào nghe người khác nói

Nhiều người cũng tìm hiểu nhưng phần vì không thu thập đủ thông tin một cách đa dạng có nhiều nguồn mà chỉ dựa vào những lời mời mọc, thuyết phục của người khác mà đã vội vàng ra quyết định. Nguyên nhân bị lừa bởi cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho nhiều người mất tiền. Nhưng đôi khi vì sỹ diện nên nhiều người đã không chịu thừa nhận và tiếp tục tìm người khác gánh thay hậu quả của mình.

3. Mong muốn làm giầu nhanh

Cho dù khi mới, có nhiều người may mắn biết thông tin sớm và kiếm lợi được khá dễ dàng nhưng khi đông người biết đến như hiện nay thì không còn nhiều vận may đến như vậy. Càng muốn làm giầu nhanh, bạn càng dễ bị mắc lừa bởi những bẫy tinh vi ngày một nhiều hơn.

4. Không tham gia vào những cộng đồng đáng tin cậy

Tham gia những cộng đồng tin cậy của những người đáng tin cậy, hiểu biết về cả kỹ thuật lẫn các khía cạnh kinh doanh và đầu tư để lắng nghe và học hỏi từ họ là rất quan trọng. Tốt nhất, bạn nên có những tiếp xúc trực tiếp với họ nhưng không nên vội vàng giao dịch với họ trừ khi thực sự hiểu và tin cậy họ. Vì có thể bạn tham gia những cộng đồng không đáng tin cậy nhưng lại tưởng là như vậy.

Có thể bạn sẽ bị dụ dỗ mua vào những coin đã hết thời hoặc đặc cọc để mua những máy đào khi người ta đã đào chán và đẩy ra cho bạn. Nếu bạn muốn là người tin cậy thì hãy đừng làm vậy với người khác dù bạn có bị lừa.

Tiền điện tử là một lĩnh vực mới, lại liên quan đến nhiều yếu tố, nó không chỉ là tiền, là cách đầu tư, hay công nghệ cho nên bạn nên tìm hiểu đa dạng. Nếu có thể được, hãy tự mình đứng ra tổ chức các buổi gặp mặt của những người mà bạn thấy có hiểu biết và lắng nghe họ tranh luận.

5. Quá tin vào những người nói hay

Những tay lừa đảo thường hay ăn nói với khả năng thuyết phục rất cao. Đôi khi nghe họ nói bạn cảm tưởng mình trở thành triệu phú hay chuyên gia đến nơi. Trong trường hợp như vậy hãy bình tĩnh, đừng vội hành động mà hãy tìm đến những người có ý kiến khác hoặc tham khảo những nguồn tin khác để so sánh.

Hãy đa dạng nguồn thông tin mà bạn tiếp cận để có được cái nhìn khách quan.

6. Không tính đến trường hợp rủi ro

Lĩnh vực công nghệ bản chất cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bởi một công nghệ hôm nay có thể là số một nhưng ngày mai có công nghệ khác hay hơn thì nó lại dễ dàng bị cho vào sọt rác. Không tin hãy nhìn xem, trước đây Yahoo là trụ cột của Internet nhưng chỉ một thời gian ngắn nó đâu còn gì? Còn Nokia một thời lẫy lừng khắp thế giới nhưng bây giờ còn đâu. Đó là những công ty hàng đầu thế giới, còn tiền điện tử chỉ là một phong trào mới mẻ, nó sẽ còn có những thay đổi. 

Nếu bạn dồn hết tiền bạc của mình vào nó mà không tính đến những rủi ro khác thì có thể bạn sẽ rút ra không kịp.

Tốt nhất bạn chỉ nên đầu tư một khoản mà bạn nghĩ rằng dù mất cũng không ảnh hưởng  nhiều đến cuộc sống của bạn.

7. Không tìm hiểu những biện pháp kỹ thuật bảo vệ ví tiền

Một trong những nguyên nhân dễ mất tiền đó là không có các biện pháp bảo vệ ví tiền và máy tính của mình và để cho hacker xâm nhập cuỗm tiền của mình đi lúc nào không biết. Vì một khi hacker đã cài mã độc vào máy tính, hắn có thể theo dõi màn hình, theo dõi bàn phím nên dù tiền bạn lưu trong máy tính hay lưu trên sàn giao dịch thì hắn vẫn có thể cuỗm được. Bởi vậy học cách bảo vệ ví tiền của mình là một trong những việc làm quan trọng cần phải biết.

8. Để tiền trên các sàn giao dịch

Các sàn giao dịch thường là mục tiêu tấn công của các hacker và đã có rất nhiều sàn giao dịch tiền điện tử đã bị hacker đánh cắp một lượng lớn tiền của người dùng. Bởi vậy bạn không nên thường xuyên để tiền của mình lâu ở trên ví của sàn mà nên lưu về ví cá nhân trên máy riêng của mình.

9. Không tự trải nghiệm thực tế

Trải nghiệm thực tế là vô cùng quan trọng. Có nhiều thứ được người ta giới thiệu rất hay nhưng thực tế thì không có gì hoặc thực tế rất tệ. Ngoài việc đọc tài liệu, xem những video clip và nghe các "chuyên gia" nói chuyện thì bạn cần phải được trải nghiệm tiền điện tử bằng càng nhiều càng tốt trong những cách sau:
  • Dùng thử ví tiền và giao dịch gửi/nhận với số tiền (tiền điện tử) nhỏ, giá trị thấp
  • Dùng thử ví tiền trên mạng testnet (không tốn tiền mua)
  • Thử đào coin hoặc stake (đối với POS)
  • Cài đặt và vận hành masternode (trên testnet)
  • Tham gia mua bán trên một số sàn giao dịch
  • Thử nghiệm ví di động, ví cứng, giao dịch với các loại ATM
10. Cẩn thận giao dịch online

Trước đây tại cộng đồng Dash Vietnam trên Facebook, đã có người mạo danh tôi để lừa những thành viên khác khi họ lấy avatar của tôi và chat với nạn nhân. Chat trên Facebook lại không hiện tên người mà chỉ hiện avatar nên người kia tưởng thật nên đã chuyển tiền cho họ. Chuyển xong mới thấy lạ và kiểm tra lại thì phát hiện cũng muộn rồi. 

Sau này mới phát hiện ra trường hợp như vậy cũng từng xuất hiện ở nhiều nơi khác nữa.

Bởi vậy đừng nên vội vàng khi giao dịch online mà không kiểm tra lại vài lần bằng các cách khác nhau.


Những nhận định trên đây của tôi có thể còn có những thiếu sót hoặc không chính xác nào đó, rất mong các bạn chỉ giúp bằng cách comment trực tiếp ở dưới đây. Chính những nhận xét của các bạn là cách tốt nhất để chúng ta giúp những người khác khỏi những rủi ro không cần thiết.

Bài đăng phổ biến