Breaking News

Làm thế nào Dash có thể được dùng như cash (tiền mặt)?

Để trở thành phương tiện thanh toán như tiền mặt đòi hỏi Dash phải có giá cả ổn định, biên độ giao động phải thật nhỏ.

Việc đặt tên là Dash là viết tắt của Digital Cash tức là tiền mặt dạng kỹ thuật số có nghĩa là người sáng lập ra nó muốn nó trở thành một loại tiền tệ có khả năng được sử dụng rộng rãi trong thanh toán cả ở ngoài đời lẫn trên các phương tiện online hay thương mại điện tử. Thế nhưng, hầu hết các loại tiền điện tử đều đang gặp phải vấn đề là tỷ giá biến động quá mạnh khiến cho việc sử dụng nó trong giao dịch thường ngày gặp rất nhiều bất lợi. Người mua hàng sợ rằng giá coin sẽ tăng và mua hàng bằng coin sẽ thiệt, còn người bán chấp nhận coin lại cần vốn để trả nhà cung cấp nên nếu nhận coin mà giá coin xuống thì lại rất khó khăn. Vấn đề này các coin vẫn chưa có cách nào giải quyết được, còn Dash thì sẽ như thế nào? Bài viết này sẽ cho bạn thấy Dash hoàn toàn có thể trở thành tiền mặt kỹ thuật số như nó kỳ vọng.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu đặc tính của tiền mặt (cash)

Bỏ qua những đặc tính mà chúng ta thường hay nói đến như tính ẩn danh, tính dễ thay thế được (fungibility) thì đặc tính quan trọng của nó đó là được chấp nhận hết sức rộng rãi và cực kỳ dễ sử dụng, hầu như ai cũng có thể sử dụng được tiền mặt. Có thể có nhiều điểm bán hàng không chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhưng hầu hết mọi người đều muốn nhận tiền mặt vì cảm giác nhanh chóng tức thời, không mất phí giao dịch, dễ nhận.

Và vì sao các loại tiền điện tử chưa thể như tiền mặt

Các loại tiền điện tử hiện nay đều kém xa tiền mặt về những thuộc tính quan trọng trên. 

- Nó hoàn toàn không dễ sử dụng một chút nào. Các khái niệm ví tiền điện tử đôi lúc là phần mềm ví, đôi lúc là file dữ liệu chứa các khoá bí mật, đôi lúc lại cả hai. Rồi khái niệm địa chỉ ví nghe cũng khá huyền bí, một cái ví lại chứa rất nhiều địa chỉ ví. Mà địa chỉ ví cũng phức tạp làm sao. Có khi nó là một dãy ký tự dài ngoẵng có cả chữ và số đến mức không thể nào nhớ nổi. Tất nhiên sự phức tạp cũng có cái hay đó là bảo vệ sự riêng tư, nhưng mà mọi người dùng hàng ngày đâu phải lúc nào cũng nghĩ đến điều đó.
- Vấn đề tiếp theo là tốc độ. Tiền mặt thì trao tay là xong. Nó xảy ra tức thời mà không phải chờ đợi gì nữa. Còn các loại tiền kỹ thuật số hiện nay hầu hết là phải chờ khá lâu. Còn ai đó mạo hiểm không chờ (sử dụng chế độ 0 confirmation thì rủi ro lại cao).
- Có thể dễ dàng theo dõi địa chỉ ví để biết số tiền trong ví là bao nhiêu, nguồn tiền từ đâu đến đâu và chẳng còn riêng tư gì nữa.

Vấn đề khó khăn nhất

Vấn đề khó khăn nhất của tiền điện tử đó là làm thế nào để tỷ giá không bị biến động với biên độ lớn mà ổn định. Ở giai đoạn hiện nay thì hầu hết các loại coin đều không ổn định về tỷ giá, lúc thì giá coin cao vống lên, lúc thì lại rơi tõm xuống rất thấp. Điều này thật là khó khăn cho việc sử dụng nó trong giao dịch hàng ngày. Khi giá coin biến động thì nó mới thu hút được những nhà đầu cơ để tìm kiếm lợi nhuận mỗi khi thay đổi tỷ giá, và điều đó lại càng làm cho tỷ giá biến động mạnh hơn. Đôi lúc các nhà đầu cơ kỳ vọng lớn và tham lam mua vào nhiều khiến cho tỷ giá nó tăng cao. Khi họ thất vọng hoặc có tin xấu thì lại đồng loạt bán ra khiến tỷ giá lại rơi tụt xuống rất thấp.

Trong giao dịch hàng ngày, người ta không thể dùng coin để mua hàng nếu nghĩ rằng vài ngày nữa giá coin lại tăng gấp đôi. Khi đó người ta sẽ giữ coin lại chờ tăng giá. Còn đối với người bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ. Họ có nhu cầu phải thanh toán cho các nhà cung cấp, trả công nhân viên,... nên khi mà giá coin xuống thấp sau khi đã bán xong hàng thì có thể khiến họ lỗ vốn vì mua hàng lúc giá coin còn cao mà bán đi khi giá lại thấp.

Giải pháp nào?

Dường như ai cũng biết rằng nếu một loại tiền nếu được sử dụng càng rộng rãi bao nhiêu thì tỷ giá của nó càng ổn định bấy nhiêu (trừ khi người ta tác động vào nó). Nhưng để được sử dụng rộng rãi thì lại cần tỷ giá của nó ổn định, mà để tỷ giá ổn định thì lại cần được nhiều người sử dụng. Đây là vấn đề luẩn quẩn mà chúng ta không thể giải quyết nó nhanh chóng được.

Mà không dễ giải quyết nhanh chóng được cũng là một điều hay, vì nếu nó dễ làm điều đó thì các loại coin thay nhau áp dụng thì nó lại nhanh chóng bị thay thế như các loại công nghệ thì cũng thật rủi ro cho ai nắm giữ đồng tiền số. 

Vậy để nhiều người chấp nhận và sử dụng rộng rãi thì nó cần phải có thời gian và đồng tiền nào chuẩn bị chiến đấu trường kỳ thì nó mới có thể chiến thắng được.

Dường như hầu hết các loại coin đều không được chuẩn bị cho chiến đấu trường kỳ. Bitcoin trở nên quá tải mà cộng đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề. Ethereum cũng dần trở nên giống như Bitcoin. Các coin khác tuy nhỏ hơn cũng đều gặp phải vấn đề tương tự.
Vì sao các coin gặp phải những vấn đề đó? Đó là do cơ chế phân phối coin thường chưa hợp lý. Thường các coin sẽ được chia cho những người sáng lập một phần nhiều, phần còn lại chia cho cộng đồng thông qua hình thức đào coin hoặc dạng gửi coin sinh lãi của mô hình Poof of Stake. Việc phân chia đó thường dồn hết cho việc bảo đảm an ninh cho hệ thống mà không có kinh phí cho việc tái đầu tư. Bởi vậy, thường những người sáng lập sẽ phải đem bán một phần trong số coin của mình để tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ cho nó. Cũng có thể người ta lại kêu gọi cộng đồng góp tiền cho việc tái đầu tư, nhưng có vẻ như hình thức kêu gọi này không có kết quả. Bitcoin Foundation đã không thể hoạt động được do không có kinh phí và hình thức tương tự như vậy ở các coin khác cũng không có gì khác.

Nhưng đây là cuộc đua dài hạn nên nếu người sáng lập cứ bán dần thì đến lúc số coin anh ta nắm giữ lại trở nên quá ít ỏi và làm cho anh ta mất dần động lực. Những người mua được số lượng lớn cũng chẳng thể có động lực lớn hơn cho việc phát triển nó bởi nếu anh ta bán bớt coin của mình đi để thuê người tiếp tục phát triển công nghệ thì quyền lợi của anh ta bị giảm bớt trong khi những người khác không làm gì và ngồi đợi lại được hưởng trọn thành quả.

Và đây là điểm thiên tài của Evan Duffield người sáng lập ra Dash nhận thấy đó là cơ chế phân phối coin được chia thành 3 phần. Phần thứ nhất chiếm 45% số coin sinh thêm được chia cho các thợ mỏ để những người này duy trì hệ thống xác thực và đảm bảo an ninh cho hệ thống thanh toán. Phần thứ hai 45% được trả cho các chủ masternode để những người này cung cấp hạ tầng cho các dịch vụ gia để các giải pháp sau này phát triển có được các thiết bị mạnh mẽ để có thể hoạt động được. Chúng ta cứ tưởng tượng như các nhân viên phần mềm của Google đã làm ra các phần mềm tìm kiếm rất hay nhưng không có các máy chủ mạnh mẽ thì Google cũng không thể hoạt động được, và các masternode đóng vai trò như hạ tầng của Google cho nền tảng của Dash. Nhưng chủ masternode còn được giao cho một nhiệm vụ đó là đánh giá và biểu quyết cấp vốn cho những dự án phát triển nào. Để tạo động lực cho chủ masternode thì Dash yêu cầu để thiết lập mỗi masternode người ta phải đặt cọc 1000 Dash, bù lại anh ta sẽ được chia phần trong số 45% trả công cho các chủ masternode. Vì có 1000 Dash cho masternode nên chủ masternode cần phải thận trọng để không có quyết định sai khiến cho 1000 Dash của anh ta giảm giá trị.
Nhưng một phần quan trọng thứ ba, đó là 10% số coin sinh ra sẽ được cấp cho các dự án để phát triển Dash. Đó có thể là dự án phát triển phần mềm cốt lõi, đó có thể là dự án phát triển ứng dụng cho Dash, đó có thể là chi phí trả công cho đối tác hợp tác và tích hợp Dash vào giải pháp của họ, đó cũng có thể là các chương trình quảng cáo, truyền thông, thậm chí là thuê công ty luật nghiên cứu vấn đề pháp lý để bảo vệ cho hệ thống. Dash không dùng hệ thống phần mềm để quyết định cho vấn đề của con người đó là quyết định chi trả cho dự án nào và không chi trả cho dự án nào, mà Dash dùng chính các chủ masternode tham gia biểu quyết, vì quyền lợi của họ ở đó nhiều hơn.

Nhờ có kinh phí có việc tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, phát triển ứng dụng, mở rộng đối tác, truyền thông, tổ chức sự kiện, tuyển dụng nhân sự, thuê tư vấn,... Nên sản phẩm của Dash càng ngày càng hoàn thiện hơn, đối tác của Dash càng ngày càng nhiều hơn, nhiệt tình hơn, nhân viên được đông hơn và trở nên chuyên nghiệp hơn... Các nhóm sẽ phải cạnh tranh với nhau để giải pháp của mình được chọn cấp kinh phí. Một khi Dash trở nên tốt hơn, nó tăng thêm giá trị lên một chút, thêm người biết đến và chấp nhận lên một chút. Nhưng vì số lượng Dash là hữu hạn mà số người muốn nó tăng lên nên giá của nó phải tăng lên theo quy luật cung cầu. Như thế thì 10% số coin sinh thêm cũng có thêm nhiều giá trị hơn, và khi ngân sách lớn hơn lại hấp dấn nhiều người tham gia phát triển để làm cho Dash trở nên tốt hơn. Và lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn đó là Dash trở nên tốt hơn thì thu hút nhiều người hơn, thu hút nhiều người hơn thì giá Dash tăng cao hơn, và khi giá Dash cao hơn thì ngân sách lại nhiều hơn, và khi ngân sách nhiều hơn lại làm cho Dash trở nên tốt hơn.... và cứ thế.

Trong khi các coin khác thì động lực ngày càng giảm đi, nhân sự giảm đi thì Dash lại ngày một gia tăng. Với kinh phí dồi dào, mới đây Dash mới tổ chức một sự kiện rất quy mô với sự tham gia của 550 người đến từ khắp nơi trên thế giới, và Dash Core là một nhóm phát triển phần mềm của Dash lại tiếp tục tuyển dụng thêm nhân sự mới. Trong hệ sinh thái của Dash có nhiều nhóm khác nhau, và rất có thể sẽ có nhiều nhóm phần mềm sẽ cạnh tranh nhau để tiếp tục đưa sáng tạo của mình vào cho Dash.

Chúng ta không thể đoán trước được tương lai, nhưng có vẻ cách phát triển của Dash ít rủi ro hơn và có tiềm năng nhiều hơn so với cách của các loại coin khác.

Bài đăng phổ biến